Kiến thức gan

VAI TRÒ CỦA GAN TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI

Gan là cơ quan rất quan trọng đối với cơ thể người. Theo chuyên gia y tế cho biết cứ 2 phút một lần, toàn bộ máu trong cơ thể sẽ được vận chuyển qua gan để thực hiện các vai trò khác nhau nhằm đảm bảo sức khỏe cho cơ thể, một số vai trò nổi bật của gan có thể kể đến như: 

Vai trò thải độc

Gan có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống lại tác hại của các yếu tố ngoại quan như rượu bia, thực phẩm nhiễm độc, thuốc uống hàng ngày bằng phương pháp chuyển hóa, bài trừ độc tố, biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn để đào thải ra khỏi cơ thể con người.

Gan thực hiện chức năng thải độc bằng 2 cách như sau:

  • Bằng các phản ứng hóa học: đây là cơ chế chủ yếu để biến các chất độc hại thành các chất không độc hoặc ít độc hơn rồi đào thải qua đường thận. Các phản ứng hóa học bao gồm: phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp và phản ứng oxy hóa khử.
  • Bằng cách cố định và thải trừ một số kim loại nặng, các chất màu đến gan sẽ bị giữ lại không biến đổi gì và đào thải ra ngoài qua đường mật.

Vai trò tiêu hóa

Mỗi ngày, gan sẽ sản xuất khoảng 1 lít dịch mật để dự trữ trong túi mật. Khi thực phẩm được hấp thụ vào cơ thể, mật sẽ được tiết vào ruột để giúp cơ thể tiêu hóa lượng thức ăn được nạp vào cơ thể.

Ngược lại, mọi thức ăn sau khi được tiêu hoá ở ruột sẽ được đưa tới gan để chế biến lại rồi mới đi vào máu nuôi cơ thể. Khi tiếp nhận lượng máu lớn từ hệ tiêu hóa, gan còn đảm nhiệm vai trò chuyển hóa những chất dinh dưỡng thiết yếu như chất bột đường (glucid), chất béo (lipid) và chất đạm (protein) để tạo năng lượng cho hoạt động sống và nuôi dưỡng cơ thể.

Vai trò chuyển hóa

Gan có nhiệm vụ chuyển hóa các chất dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể như chất bột đường, chất béo và chất đạm, giúp tạo năng lượng cho cơ thể con người.

  • Chuyển hóa glucid

Glucid cung cấp năng lượng sống cho cơ thể (nó đảm bảo 2/3 toàn bộ năng lượng sống trong cơ thể). Chuyển hóa glucid tại gan thông qua quá trình tổng hợp glycogen dự trữ cho cơ thể và tăng phân giải glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể.

  • Chuyển hóa lipid

Chuyển hóa lipid chủ yếu xảy ra ở gan. Các acid béo đến gan phần lớn tổng thợp thành triglyceride, phospholipid, cholesterol ester. Từ các chất này gan tổng hợp tạo lipoprotein và đưa vào máu để vận chuyển đến các tổ chức, tế bào khắp cơ thể.

  • Chuyển hóa protid

Với protein, gan là một trung tâm chuyển hóa quan trọng đồng thời cũng là một kho dự trữ quan trọng nhất của cơ thể.

Protein được dự trữ ở gan dưới dạng nhiều protein enzyme và một số protein chức năng. Các protein này khi phân giải sẽ tạo thành các acid amin đưa vào máu cung cấp cho các tế bào khác trong cơ thể.

Vai trò miễn dịch bảo vệ cơ thể

Gan đóng vai trò then chốt trong điều hòa miễn dịch và bảo vệ cơ thể. Khả năng tiếp nhận khối lượng lớn máu đến gan cho phép gan làm sạch máu một cách nhanh chóng.

Gan còn là bộ phận góp phần vào việc duy trì trạng thái cân bằng nội môi cho các tế bào cư trú và hoạt động, trong đó có tế bào miễn dịch. Nội môi là môi trường bên trong cơ thể. Cân bằng nội môi là duy trì sự ổn định của môi trường trong cơ thể để đảm bảo các tế bào được bảo vệ và các hoạt động sống diễn ra bình thường.

Vai trò khác

- Giúp hấp thu những vitamin A, D, E, K

- Sinh tổng hợp albumin, tạo áp lực keo của huyết tương giúp ổn định tuần hoàn máu.

- Sản xuất các yếu tố đông cầm máu.

CẤU TRÚC GAN

Gan là cơ quan nội tạng đơn lớn nhất trong cơ thể, nằm ở góc phần tư trên - bên phải vùng bụng. Gan nặng khoảng 1.400 gram ở người trưởng thành.

Gan được cấu tạo bởi 60% là tế bào gan, phần còn lại là tế bào nội mô, tế bào hình sao. Giữa các dãy tế bào gan là các mao mạch kiểu xoang gọi là xoang gan. Trong xoang gan có các tế bào Kupffer – là loại tế bào nguồn gốc của các bệnh lý về gan.

Gan được cấu tạo bởi bao gan, mô gan, mạch máu và đường mật trong gan:

  • Bao thanh mạc là lá tạng lớp phúc mạc bọc bên ngoài gan
  • Bao xơ dính chặt vào bao thanh mạc ở ngoài và nhu mô gan ở trong
  • Tế bào gan, mạch máu và đường mật trong gan tạo nên mô gan

Gan được giữ ở vị trí cố định nhờ hệ thống tĩnh mạch và dây chằng bao gồm: tĩnh mạch chủ dưới, dây chằng vành, dây chằng hoành gan, dây chằng tam giác phải và trái, dây chằng liềm.

BIỆN PHÁP BẢO VỆ GAN

Để bảo vệ sức khỏe gan, giúp chức năng gan cải thiện tốt hơn, bạn có thể tham khảo những biện pháp sau đây:

- Hạn chế uống rượu bia, các loại nước có cồn, tránh hút thuốc lá, sử dụng thực phẩm sạch và tránh tiếp xúc thường xuyên với các loại hóa chất độc hại.

- Tiêm phòng sớm để ngừa bệnh viêm gan siêu vi A, B.

- Lối sống tích cực, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi điều độ.

- Nên chọn nhóm thực phẩm dễ hấp thu và có khả năng tiêu hóa như gạo, ngũ cốc, các loại đạm; có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, các loại thịt cá nạc, sữa không béo, đậu hũ.

- Sử dụng thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ,chuyên gia và người có chuyên môn.